Hướng dẫn cặn kẽ xử lý mùi hôi làm sạch không khí trong nhà, chung cư

Hướng dẫn cặn kẽ xử lý mùi hôi làm sạch không khí trong nhà, chung cư .Rảnh rỗi, ngứa tay viết chơi, ngõ hầu ít nhiều có ích cho hàng xóm, dù bài có thể gây ra sự khó chịu hoặc không thoải mái.Nhà mình [em] căn 48 (60,4m, cấu trúc khác với bên tòa A, hơi bí so với các nhà khác, nhưng đến bây giờ vẫn thấy thích căn này). Lúc sửa nhà có chú ý nhiều hơn đến việc thông gió. Khởi đầu chỉ là cái quạt, cuối cùng lại ra lắm việc để kể vs các bác, chia thành 5 mục tương ứng.
 
1. Muốn 2 phòng ngủ thông thoáng nên lúc đầu lắp 2 quạt ngoài ban công [ẢNH 1, 2], một hút ra, một thổi vào (chung công tắc điện).
 
Dùng ống nhựa phi 90 chạy trên trần thạch cao nối vào 2 phòng ngủ rồi trổ xuống mỗi phòng 2 cửa gió [ẢNH 3, 4].
 
 
 
 
 
 
Ý định dùng quạt này thường xuyên. Lắp xong, chạy thử, nghe giống tiếng trực thăng trên đầu do đường ống và công suất lớn quá mức cần thiết! Cửa gió quạt thổi vào lại lắp ngay phía trên đầu giường, mùa đông bật lên thì vợ đang ngủ lại lồm cồm bò dậy, run cầm cập! Những khi ngửi thấy mùi gì đó ngoài trời bay vào cũng không dám sử dụng, vì nó hút khí trong nhà ra nhưng đồng thời đưa khí bên ngoài vào. Được cái là thông gió cực nhanh, rất hữu dụng khi nấu nướng, đi làm về hoặc sau khi tắt điều hòa. Rốt cuộc thỉnh thoảng mới dùng đến. Lại xoay ra việc 2.

2. Lắp thêm 1 quạt hút loại nhỏ nữa trên trần thạch cao ở khu vực hành lang [ẢNH 5] (trước đó đã có 1 một cái nhưng thấy hơi yếu, ở bếp cũng đã có máy hút mùi), hút thổi ra ngoài trời, dùng ống ruột gà thông luôn với đường ống quạt hút trên trần thạch cao ở 2 phòng ngủ (đã nói ở mục 1). Mục đích chính là để hút khí trong nhà và 2 phòng ngủ ra bên ngoài, đặc biệt là vào buổi tối và khi dùng điều hòa (do cả hai điều hòa đều kg có chức năng cấp gió tươi). Vấn đề thông gió tạm ổn, tập trung vào việc 3: xử lí mùi ở WC.

 

3. Ban đầu, lắp 2 quạt hút ở WC (chung công tắc với đèn) [ẢNH 6], nối với ống nhựa phi 90 chạy ra ngoài, nhưng thỉnh thoảng vẫn có mùi hố ga.

 

Thay đủ loại nắp thoát sàn, kg thấy khí bốc lên nữa. Nhưng để ý thì thấy mùi hôi thoát ra trên nóc WC. Rốt cuộc phải xây bịt kín chỗ hở giữa trần WC và hộp kĩ thuật thì mới hết. Nhưng để ý kĩ lại nhận thấy là bể bồn cầu cũng có hiện tượng thoát khí, dù rất ít, hãn hữu vài tuần mới ngửi thấy 1-2 lần (có thể những lúc đó mực nước ở bể chứa tổng xuống thấp hơn đường ống xả, khí bốc ngược lên). Chính thức bó tay. Đành tách 1 quạt ra, lắp công tắc riêng và thiết bị hẹn giờ bật – tắt tự động (timer) [ẢNH 7], chạy 15 phút, dừng 1 tiếng, lại chạy 15 phút, dừng 1 tiếng… cứ như vậy cả ngày (2 quạt thông gió ở mục 2 cũng lắp thêm bộ timer này, cứ 1 tiếng chạy 30 phút, luân phiên 24/24) [ẢNH 8]. Sau này còn phải thay luôn nắp thoát sàn ở ban công. Dùng băng dính bịt kín chỗ hở ở đường thoát nước thải dưới chậu rửa nhà bếp, đường thoát nước xả máy giặt. Đến lúc này không khí ở trong nhà mới thực sự ổn, làm nốt việc 4: xử lí mùi từ phòng thu rác.

 

4. Mùi phòng thu rác lúc mới về rất nặng, cả tầng góp tiền làm nắp chắn hộc thu rác [ẢNH 9], đỡ hẳn đi, nhưng vẫn còn.

 

Lại phát hiện thêm là mùi rác đưa từ tầng hầm lên theo lỗ thông nhau giữa phòng thu rác và trục kĩ thuật bên cạnh, phải lấy tấm thảm bịt lại, trát kín bằng keo silicone [ẢNH 10]. Phòng thu rác chính thức hết mùi từ bên ngoài vào. Nhưng thỉnh thoảng vẫn ngửi thấy phảng phất ở khu vực gần đấy, tìm mãi thì phát hiện mùi lan ra từ phòng kĩ thuật điện. Lại phải trát kín mọi khe hở ở góc phòng này thông với bên dưới (chỗ luồn dây điện, cáp tín hiệu), rồi cùng hàng xóm lấy keo silicone bịt kín những chỗ hở giữa tường và cánh cửa. Chính thức hết mùi.

 

Những tưởng hết việc. Đến một tối lấy đèn pin ra soi chơi thì thấy rất nhiều bụi trong không khí, không sạch như vẫn hình dung. Kết hợp với tình trạng thỉnh thoảng ngửi thấy mùi than tổ ong, lại phải làm việc 5: mua máy lọc không khí.
5. Lọ mọ tìm hiểu rồi cũng kiếm được loại máy có công suất phù hợp với nhà 60m2, đặt ở hành lang, để chạy tự động suốt ngày. Lúc đưa máy đến, nhân viên có cầm theo thiết bị đo chỉ số bụi trong không khí, ở phòng khách là 1.050 [ẢNH 11], sau khi qua cửa thoát gió của máy giảm xuống còn 136 (mức rất sạch) [ẢNH 12].

 

 

Mùi phòng, mùi điều hòa, khói hương… cũng bị khử hết rất nhanh. Hầu hết thời gian đèn cảm biến bụi và cảm biến mùi báo màu xanh. Nhưng thỉnh thoảng cứ vài hôm vào buổi tối lại thấy chuyển sang màu vàng hoặc đỏ rực lên (chủ yếu phía đèn cảm biến mùi). Máy tự động chuyển sang mức quạt mạnh nhất, kêu vù vù. Lại te tái chạy đi đóng cửa, bật quạt hút gió, vài phút sau đèn mới xanh trở lại. Sau này để ý thì thấy những lúc như vậy là do có mùi than tổ ong hoặc mùi lạ từ bên ngoài đưa vào, dù chỉ phảng phất. Chưa kiểm chứng được hết công năng của máy nhưng nhìn chung thấy cũng đỡ lo. Cái này bác nào bị hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi dị ứng chắc mới thấy hiệu quả rõ hơn.
Đọc đến đây chắc nhiều bác sẽ nghĩ: tay này hâm nặng, có mỗi cái nhà bé tí ti mà lắm chuyện! Tuy vậy những việc nói trên đều xuất phát từ thực tế mà nhiều người biết, liên quan đến không khí – thứ chúng ta đưa vào cơ thể hàng ngày nhiều hơn bất cứ gì khác:
(i) Do có nhiều đồ đạc, vật liệu gây mùi và tỏa bụi nên không khí trong nhà thường ô nhiễm hơn nhiều lần so với không khí ngoài trời.
(ii) Việt Nam là 1 trong 10 nước có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới [Diễn đàn Davos]. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương thành phố Dehil (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan), 2 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, và là thành phố ô nhiễm nhất ở Đông Nam Á [Moussafir]. Ngoài khói, khí thải và bụi thô nhìn thấy bằng mắt thường, mật độ bụi mịn (PM10, PM2,5) trong không khí ở HN cũng rất cao. Loại bụi này thường bay lơ lửng và phát tán rất xa trong không khí cả ngày lẫn đêm, dễ dàng xuyên qua khẩu trang và có thể đi thẳng vào phổi. Chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) ở hầu hết khu vực trong thành phố cũng thường xuyên ở mức màu da cam (từ 101 đến 151, trong khi đó mức an toàn là dưới 50).
(iii) Khu vực đường Nguyễn Xiển – Nghiêm Xuân Yêm trên đường Vành đai 3 là một trong những tuyến đường ô nhiễm khói bụi nặng nhất ở HN. Nguyên nhân chính là từ các phương tiện giao thông trên cả 4 làn đường lớn. Ngoài ra còn có rất nhiều công trình lớn đang xây dựng ở khu vực này.
(iv) KĐT Kim Văn – Kim Lũ và một số khu vực khác ở phía nam HN còn chịu ảnh hưởng từ hoạt động xả khói của Công ty Phân lân Văn Điển. Mùi giống việc đốt than tổ ong, có thể ngửi thấy vào buổi tối, tuy không thường xuyên. Bên cạnh đó, hình như ở đây ban đêm đỡ bụi hơn, nhưng trong không khí lại có nhiều mùi lạ hơn.
(v) Do thiết kế và khâu thi công, ở các tầng trong cả 3 tòa CT12 thường ít nhiều có mùi rác, mùi tầng hầm, đặc biệt là trong thời gian đầu. Trong WC ở các căn hộ ít nhiều có mùi hố ga và những mùi khác lan ra từ hộp kĩ thuật.

Dài dòng vậy để mong các bác chú ý nhiều hơn đến không khí trong nhà cũng như khi đi ra đường.
Bài chỉ nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cả khôn lẫn dại, của một người thường quan sát, để ý đến môi trường sống tự nhiên; đồng thời cũng báo động đến những gia đình có con nhỏ, trẻ sơ sinh.
Kể chơi vậy nhưng không hẳn là bi quan. Ngày trước ở nhà mặt đất, mình thường bị váng đầu, sổ mũi, ốm vặt. Từ ngày về đây hết hẳn (trộm vía!). Không phải do mấy cái quạt gió và máy lọc không khí kia đâu. Ở cách mặt đất khoảng vài tầng thực sự rất tốt cho sức khỏe. Nếu sau này may mắn “trúng số” đủ tiền mua biệt thự, mình vẫn ở chung cư!
Thanks for reading!
Nguồn: Anh Lê Hiến Chương

Có thể bạn quan tâm:

1 thoughts on “Hướng dẫn cặn kẽ xử lý mùi hôi làm sạch không khí trong nhà, chung cư

  1. Pingback: Devops services

Leave a Reply

(function($) { $(document).ready(function() { $('header .ux-search-submit').click(function() { console.log('Moew'); $('header form.search_google').submit(); }); }); })(jQuery);