Internet đã giúp mọi người thực hiện nhiều công việc trong cuộc sống hàng ngày dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Internet cũng tạo ra những công cụ mới giúp cho những cá nhân bất chính thực hiện các hành vi lừa đảo. Sứ mệnh của Indeed là giúp mọi người có việc làm. Do đó, chúng tôi chủ động loại bỏ nội dung giả mạo khỏi kết quả tìm kiếm, đồng thời cung cấp các công cụ giúp người tìm việc bảo vệ thông tin cá nhân và tài chính của mình.

Dưới đây là các hướng dẫn giúp người tìm việc phát hiện và tránh các mánh khóe lừa đảo.

Những điều nên làm khi tìm việc

Tìm địa chỉ email công ty có thể xác minh được. Địa chỉ email của các công ty lớn và uy tín thường có tên miền cấp cao nhất khớp với trang web của họ. Thư liên hệ từ các công ty này thường không phải là từ các địa chỉ email công cộng như yahoo hay gmail. Nếu ai đó liên hệ với bạn bằng địa chỉ email công cộng, hãy hỏi xem họ có thể liên hệ qua địa chỉ email có tên miền công ty hay không. Hãy thận trọng nếu họ nói không.

Hãy xem xét kỹ những địa chỉ email có tên công ty viết sai chính tả hoặc “bị giả mạo”. Thông thường, những địa chỉ email này sẽ tương tự, nhưng không khớp chính xác với tên công ty thực. Ví dụ về các địa chỉ đáng ngờ bao gồm “Info@company.net” thay vì “Info@company.com,” và tên công ty bị viết sai chính tả như “Info@companie.com” hoặc “Info@compaany.com.”

Đối chiếu thư mời làm việc với đơn xin việc của bạn. Tránh thủ đoạn “nhử rồi tráo” bằng cách kiểm tra xem nhà tuyển dụng đang mời bạn làm việc có phải là người đã trả lời đơn xin việc của bạn không.

Hãy thận trọng khi theo đuổi các vị trí có mức lương, quyền lợi và sự linh hoạt có vẻ quá tốt. Với các quảng cáo “làm việc tại nhà”, hãy đặt câu hỏi để kiểm tra xem vị trí đó có được trả lương không (không phải chỉ hoa hồng) và công ty đó có trụ sở hoạt động không.

Đề nghị một cuộc gặp trực tiếp. Hãy thận trọng trước những lời mời làm việc có quy trình phỏng vấn sơ sài hoặc không phỏng vấn. Kẻ lừa đảo thường tránh các cuộc phỏng vấn trực tiếp bằng cách sử dụng dịch vụ trò chuyện, cuộc gọi qua Skype hoặc Google Hangouts làm phương tiện để mời chào những vị trí “làm việc tại nhà”.

 

Những điều không nên làm khi tìm việc

Tuyệt đối không thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào cho một nhà tuyển dụng tiềm năng mà bạn liên hệ trên Indeed. Tính phí không chỉ là hành vi vi phạm quy tắc của Indeed đối với các công ty mà còn là một loại hình lừa đảo (xem “Các loại hình lừa đảo”).

Tuyệt đối không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào thay mặt cho một nhà tuyển dụng tiềm năng. Điều này bao gồm việc nhận hoặc chuyển khoản ngân hàng hay lĩnh chi phiếu để mua hàng thay mặt cho ai đó.

Tuyệt đối không đồng ý với công việc đòi hỏi phải mở nhiều tài khoản và/hoặc đăng quảng cáo trên Indeed hay trên các trang web khác. Đây có thể là những kẻ lừa đảo và bạn có thể bị dính líu tới các hoạt động khiến bạn gặp rủi ro về tài chính và pháp lý.

Tuyệt đối không nhận tiền thanh toán trước cho những việc mà bạn chưa làm. Đây là một mánh khóe thường dùng trong các vụ lừa đảo về tài chính và khiến bạn gặp phải rủi ro pháp lý nghiêm trọng.

Các loại hình lừa đảo cần tránh

Lừa đảo qua séc

Loại hình lừa đảo này sẽ khiến mọi người chuyển séc khống mà không hề hay biết. Hãy cảnh giác với những kẻ lừa đảo bịa đặt những câu chuyện về việc cần trợ lý cá nhân, người chăm sóc hoặc người lĩnh chi phiếu để mua hàng số lượng lớn hoặc chuyển khoản hộ trong khi chúng vắng mặt. Loại hình lừa đảo này thường bao gồm các trường hợp:

  • Kẻ lừa đảo yêu cầu bạn mua thiết bị y tế đắt tiền cho một thành viên trong gia đình chúng.
  • Kẻ lừa đảo chuẩn bị mở một văn phòng mới “ở gần nơi bạn sống” và yêu cầu bạn mua văn phòng phẩm, thiết bị hoặc phần mềm bằng séc.
  • Kẻ lừa đảo sẽ đề nghị trả trước cho bạn số tiền cho những việc mà bạn chưa làm và yêu cầu bạn chuyển số séc còn lại đến một tài khoản khác cho chúng.
  •  

Lừa đảo thông qua rửa tiền

Các công ty uy tín và hợp pháp không bao giờ yêu cầu bạn thực hiện các giao dịch tài chính hoặc chuyển tiền cho họ, đặc biệt là qua Western Union, MoneyGram hoặc BitCoin. Ngay cả khi không yêu cầu bạn chuyển tiền, thì kẻ lừa đảo vẫn sẽ lừa người khác thực hiện các giao dịch tài chính lừa đảo để chúng không phải làm việc đó.

Lừa đảo thông qua chuyển hàng

Trong mọi trường hợp, việc nhà tuyển dụng yêu cầu bạn chuyển lại các gói hàng từ quốc gia của bạn là hành vi bất hợp pháp. Loại hình lừa đảo này gọi là Lừa đảo thông qua chuyển hàng lại và kẻ lừa đảo mời chào vị trí làm việc tại nhà, đôi khi được quảng cáo là “quản lý bán hàng” hoặc “trợ lý xử lý gói hàng”. Công việc bao gồm nhận và gửi hàng đến các địa chỉ ở nước ngoài thay mặt cho khách hàng bằng cách sử dụng các nhãn gửi thư thanh toán qua bưu điện được cung cấp qua email. “Nhân viên” mới sẽ không hề biết về các gói hàng này. Các gói hàng này bao gồm:

  • Hàng hóa đã mua bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp, được chuyển trái phép ra khỏi quốc gia bằng hành vi lừa đảo chuyển hàng lại.
  • Thư chuyển tiền giả mạo qua bưu điện, cũng được gửi cho những kẻ lừa đảo khác.

Sau khi chuyển hàng ra nước ngoài, “nhân viên” sẽ nhận được khoản thanh toán bằng séc hoặc thư chuyển tiền giả mạo qua bưu điện. Bạn có thể tìm thêm thông tin về lừa đảo thông qua chuyển hàng lại trên trang web Dịch vụ giám định qua bưu điện của Hoa Kỳ.

Lừa đảo thông qua lệ phí trả trước

Bạn không phải trả tiền để xin việc. Hành vi lừa đảo thông qua lệ phí trả trước không chỉ lừa tiền của người tìm việc mà còn là dấu hiệu cho thấy một công ty đang tham gia vào các hoạt động mờ ám khác. Bạn có thể phải trả một số khoản phí hợp pháp như đồng phục và công cụ làm việc sau khi nhận việc, nhưng khoản phí đó thường được khấu trừ vào lương sau khi bạn bắt đầu làm việc. Tương tự như vậy, nhà tuyển dụng thường trả cho bạn phí kiểm tra lý lịch hoặc cơ quan chính quyền địa phương sẽ thanh toán trực tiếp cho bạn và bạn sẽ không phải trả phí này cho nhà tuyển dụng. Các loại phí mà kẻ lừa đảo thường thu bao gồm:

  • phí nộp hồ sơ xin việc
  • phí đặt lịch hẹn nhà tuyển dụng
  • phí đặt chỗ phỏng vấn
  • phí đào tạo
  • phí viết lại/định dạng lại CV
  • phí kiểm tra lý lịch